DỰ TU DÒNG CHÚA CỨU THẾ SÀI GÒN
BÀI TÓM SÁCH THÁNG 5 -NĂM 2021
Giu-se Nguyễn Đình Hoài
Bài làm
Tiêu đề sách: “ Sống cuộc đời mình”, nhà xuất bản Đồng Nai.
Tác giả: Lm. Thái Nguyên.
Sách gồm: 347 trang, gồm các phần như sau:
·
Phần 1: Sống
quân bình.
·
Phần 2: Sống
phong phú.
·
Phần 3: Sống
siêu thoát.
Nội dung sách:
“ Dòng đời ngược xuôi Chúa ơi
con biết về đâu, về đâu con đi tìm Ngài” lời bài hát diễn tả phần nào khát vọng
của mỗi con người trên hành trình cuộc đời. Con người không những có giá trị
hơn mọi thụ tạo khác ở ý thức, nhưng còn là giá trị tâm linh. Bởi vậy, mỗi người
cần sống cuộc đời của chính mình, không ai sống thay cho người khác. Hiểu được
điều đó, linh mục Thái Nguyên, , tên thật là Vinh sơn Phao lô Võ Văn Thọ, hiện
đang là Giáo sư Thần học Tín lý và Triết học Đông Phương tại Đại chủng viện
Thánh Quý, Cần Thơ, đã viết nên cuốn
sách “ Sống cuộc đời mình” nhằm mời gọi người trẻ “ sống cuộc đời mình” một
cách đúng đắn và viên mãn, xứng đáng với vị thế của một con người.
Vậy làm thế nào để “ sống cuộc
đời mình” ? Theo tác giả, để có thể “ sống cuộc đời mình” cần phải sống đầy đủ
ba chiều kích của cuộc đời. Thứ nhất, “ sống quân bình”. Thứ hai, “ sống phong
phú”. Và thứ ba “ sống siêu thoát”.
Vậy thế nào là “ sống quân bình”? “ Sống quân bình” tức là giữ thăng bằng
cho bản thân, mà tác giả đề cập tới bốn yếu tố: thể chất, tinh thần, tâm linh,
và tương giao. Để có một thể chất quân bình, theo tác giả cần làm hai việc. Một
là, điều hòa giữa “ làm việc và nghỉ ngơi”. Hai là, biết “ dừng lại” để “ biết
mình”, “ để nhìn, để thấy”, “ để nghe, để hiểu”, và “ để điều chỉnh cuộc sống”.
Bởi vì sức khỏe là kho tàng quý báu nhất cuộc đời. Không có nó, mọi của cải
khác đều trở nên vô nghĩa.
“ Sống phong phú” là thế nào? Linh mục Thái Nguyên cho rằng cuộc sống
phong phú trước tiên phải có sức khỏe dồi dào và lòng nhiệt tình đối với cuộc sống.
Tiếp theo là có một tâm hồn trong sáng, bình an và tốt đẹp trong các mối tương
quan, để sống tự do và say mê sáng tạo góp phần đem lại phúc lợi cho tha nhân.
Bởi vì, con người “ được thông phần bản tính với Thiên Chúa” nên con người cũng
được phú ban cho những năng lực mà mỗi người cần phát triển để làm cho cuộc sống
đời mình trở nên phong phú. Có bốn năng lực chính đó là: thể chất, trí tuệ, cảm
xúc và tinh thần. Để phát triển năng lực thể chất theo tác giả cần lưu ý đến bốn
phương thế sau đây: nghỉ ngơi, vận động, dinh dưỡng và yếu tố tâm lý. Và biểu
hiện cao nhất là tính kỷ luật. Để phát triển năng lực trí tuệ thì con người cần
có một “ tầm nhìn”. Thể hiện trong “ cách nhìn” và “ hướng nhìn”. Và để có được
“ tầm nhìn” theo tác giả, mỗi người cần mở rộng tầm nhìn theo Tin Mừng đó là: “
nhìn trong một tư thế khác”, “ nhìn về tương lai”, “ nhìn về liên đới”, và “
nhìn theo hướng tích cực” . Tầm nhìn mở rộng thì mọi cái sẽ mở ra, nên hành động
cũng mới lạ và cao vượt. Thông minh ở đây không còn là sự tính toán của cái đầu,
mà là sự cảm mến tràn đầy của con tim. Phát triển năng lực cảm xúc là biết cảm
nhận, hiểu và đồng cảm được với cảm xúc của người khác. Biểu hiện cao nhất của
cảm xúc là “ đam mê”. “ Đam mê” là một trạng thái tình cảm mãnh liệt trong mỗi
con người, là chất lửa để ta khám phá và phát triển bản thân. “ Đam mê” tự bản
chất không tốt cũng không xấu. “ Đam mê” là khuynh hướng bá chủ và độc tôn, là
một tình cảm mãnh liệt. Sự nguy hiểm nhất của “ đam mê” là nhầm lẫn. Bởi thế mỗi
người cần “ tìm kiếm và khơi dậy đam mê”. Như Đức Giê-su, Ngài đam mê làm người,
đam mê con người và đam mê cứu chuộc con người. Vì thế, mỗi người Ki-tô hữu cần
đam mê “ nên thánh”. Mỗi người cũng cần phát triển năng lực tinh thần, mà biểu
hiện là “ khả năng xoay chuyển tình thế”. Bằng việc nâng cao tinh thần vượt
khó. Tin Mừng cho ta thấy tinh thần vượt khó của Chúa Giê-su sinh ra trong cảnh
“ nghèo khó”, lớn lên trong sự “ gian khó” của cảnh nghèo nàn đến sự “ khốn
khó” khi thi hành sứ mạng rao giảng và cuối cùng là sự “ thương khó” trên thập
giá. Để được như vậy mỗi người cần phát triển một lương tâm ngay thẳng, không
sai lầm và giàu đức tin.
Nhưng cao hơn nữa, con người được mời gọi “ sống siêu thoát”. Không phải
là lánh xa cuộc đời, lui về ở ẩn nhưng là sống giữa cuộc đời với những trăn trở
và thao thức của phận người. “ Siêu thoát” tức là thanh thoát, vô chấp và vô
vi. “ Sống siêu thoát” chính là sống ơn gọi nên thánh. Qua việc “ thanh tẩy”
mình, “ từ bỏ” mình và “ dâng hiến” đời mình. Chúng ta thanh tẩy mình bằng việc
thanh tẩy tham vọng, tư tưởng, những lo lắng và những ước mơ ở bên trong con
người. Và thanh tẩy điều mình thấy, điều mình nói, điều mình nghe, và việc mình
làm bên ngoài. Thanh tẩy không chỉ rửa sạch những bợn nhơ của tâm hồn, nhưng
còn là “ thay đổi lối sống” hay đúng hơn là “ thay đổi não trạng” để cho Thần
Khí Thiên Chúa “ đảo ngược” tinh thần chúng ta để chúng ta sống theo “ tinh thần”
của Chúa. Từ bỏ là buông bỏ, xóa bỏ, rời bỏ và loại bỏ những gì đó không phù hợp
với lý tưởng mình đang sống, với con đường mình đang đi, với đích điểm mình
đang hướng tới. Từ bỏ cũng là để tiếp nhận, để hình thành, để trở nên, để hòa
nhập, là cách thức để nâng cao phẩm chất tâm hồn. Chúng ta cần từ bỏ những gì
mình có, và từ bỏ chính mình để ta có thể nên một với Thiên Chúa và sống trọn vẹn
cho tha nhân. Cuối cùng, ta cần đáp trả lại tình yêu vô biên của Thiên Chúa bằng
cuộc đời tự hiến cho Ngài. Tận hiến mình cho Thiên Chúa tức là “sống theo Thần
khí” để thấy mọi cái trong ánh sáng của Ngài, để hiểu được ước muốn và hành động
của Ngài, và để đón nhận tình yêu, sức sống của Ngài. Người môn đệ Chúa Giê-su
tận hiến đời mình qua việc sống theo “Hiến chương Nước Trời”. “Sống siêu thoát”
hay “nên thánh” tự bản chất là lội ngược
dòng. Do đó, “các mối phúc” mà Chúa Giê-su nêu lên quả là một thách thức lớn
lao. Chỉ với sức riêng chúng ta không thể nào sống được nhưng với sức mạnh của
Chúa Thánh Thần ta mới có khả năng thực hiện, vì đó là cao độ của một tâm hồn
siêu thoát.
“ Sống quân bình” là nền móng
làm cho đức tin them mạnh mẽ kiên cường, “ sống phong phú” là phát huy mọi tiềm
năng để góp phần làm cho đức cậy thêm vững vàng, “ sống siêu thoát” là đời sống
hoàn thiện để góp phần làm cho đức mến được tỏa sáng.
Nhận xét
Đăng nhận xét