THỪA SAI CỦA CÁC THỪA SAI

THỪA SAI CỦA CÁC THỪA SAI


Cha EUGÈNE LAROUCHE (1892-1978)

Bước chân Cứu Thế Thừa Sai, 

Sử vàng lưu dấu, chẳng phai đời đời

Công ơn mở rộng Nước Trời

Bia lòng khắc cốt, vạn thời khắc tâm.


Dòng Chúa Cứu Thế đến Việt Nam vào năm 1925, đến nay đã gần 100 năm (Dòng sẽ mừng 100 năm hiện diện tại đất Việt vào năm 2025), với tinh thần "ôn cố tri tân", ta cùng nhìn lại gương mặt đã góp phần định hình nên DCCT trên mảnh đất Lạc Hồng. Đó là cha Eugene Larouche (1892-1978), cha là vị tông đồ nhiệt thành đã đóng góp cho sự hiện diện, trưởng thành và phát triển của DCCT VN. Cách cụ thể, trong việc thiết lập Đệ tử viện Huế và huấn luyện các thế hệ thừa sai người Việt đầu tiên. Cha được xem là NGƯỜI CHA NHÂN HẬU, VỊ SÁNG LẬP DCCT VN. Tuy đã ra đi, nhưng những di sản của cha còn sống mãi, đó là các thừa sai DCCT vẫn đang miệt mài trên cánh đồng truyền giáo.

 

Khởi đầu một ơn gọi

 

Cha EUGÈNE LAROUCHE là người CHA NHÂN HẬU, ngài có tên Việt là: LÊ ĐỨC HIỀN. Sinh ngày 10 - 6 - 1892, tại Canada, trong gia đình có sáu người con: 4 người anh và 2 người chị. Ngài là con ông Luc Larouche và bà Celine Lachance. Cuộc đời của ngài chứng kiến nhiều cuộc mất mát to lớn: 19 ngày tuổi mồ côi mẹ, tuổi thơ bất hạnh mồ côi cha. Nhưng Thiên Chúa quan phòng đã chuẩn bị cho ngài một gia đình lớn hơn. Đó chính là Dòng Chúa Cứu Thế. Dù được đùm bọc và yêu thương bởi những người bà con, nhưng tuổi thơ ngài đã phải trải qua tháng ngày nghèo khó, cơ cực như chính ngài viết: “Trong gia đình chúng tôi: sự nghèo khó ngự trị. Ở nhà trường, kết quả việc học trong 4, 5 năm cũng tầm thường…” Thế rồi, một cuộc gặp gỡ đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời của ngài. Năm 1904, người dì đưa Eugene về Montreal, tại đây cậu nhập đoàn Lễ sinh và giúp lễ cho các cha DCCT tại Hochelaga, cha bề trên Fiset nhận thấy nơi cậu nhỏ Eugene một sự nhiệt thành trong việc phục vụ nhà Chúa, nên hỏi cậu: “Con có muốn trở thành một linh mục thừa sai, trên ngực đeo một cây Thánh giá lớn và đi giảng khắp nơi không?”. Cậu đã đáp lại: “Thưa cha, có chứ”. Từ đó ý tưởng sẽ là một tu sĩ DCCT in sâu trong tâm trí cậu. Rồi ơn Chúa quan phòng, ngày 1 - 5 - 1905, Eugene gia nhập đệ tử viện Sainte Anne de Beaupre. Chính cha Fiset đã đưa Eugène Larouche vào dòng và rộng tay giúp đỡ ngài về vật chất và coi ngài “như con của mình”.

 

Eugène Larouche, 

Người cha Nhân hậu, xứng danh Đức Hiền,

Một đời tôi tớ trung kiên,

Rạng danh nước Chúa, loan truyền Phúc Âm.

 

Đời Linh mục, chí thừa sai,

Dựng xây dòng Thánh, tương lai sáng ngời

Canada, cha ra đời,

Khó khăn mất mát từ thời ấu thơ.

 

Mười chín ngày, mẹ đi xa,

Lớn thêm chút nữa, vắng cha thật rồi!

Tuổi thơ sống kiếp mồ côi,

Bà con đùm bọc, chăm nuôi họ hàng.

 

Chúa Quan Phòng đã mở đàng,

Để cha được biết cưu mang người nghèo,

Một lòng ý Chúa vâng theo, 

Nguyện đem cuộc sống rắc gieo Tin Mừng.

 

Cuộc đời cha bỗng sáng bừng,

Gặp cha Fiset, lẫy lừng thừa sai,

Từ đây quyết chẳng quản cai,

Ươm mầm ơn gọi, sớm mai nguyện cầu.

 

Ý tưởng dâng hiến ăn sâu,

Nhập đoàn cứu thế, năm châu loan truyền.

Đệ tử viện, sống sáu năm,

Larouche đã quyết, chuyên chăm tu trì.

 

Sáu năm đệ tử viện Sainte Anne de Beaupre

 

Đệ tử sinh Eugène Larouche sống 6 năm ở đệ tử viện, từ năm 1905 - 1911. Tại đây, ngài nhận được nơi vị giám đốc lúc ấy là cha Georges Daly một nền giáo dục nhân bản và tu sĩ với khẩu hiệu “DUC IN ALTUM - RA KHƠI”“EXCELSIOR - HƯỚNG THƯỢNG”, đặc biệt là “tình gia thất” trong một gia đình là DCCT, là Đệ tử DCCT. Đệ tử viện lúc đó thuộc nhiều dân tộc: Bỉ, Pháp, Balan,... giúp ngài kinh nghiệm về sự khác biệt, nhất là về ngôn ngữ. Eugene xác tín rằng: càng biết nhiều ngôn ngữ thì càng có khả năng và điều kiện để làm lợi ích hơn và thi hành nhiệm vụ một cách tốt đẹp hơn. Nơi đây, cha Georges Daly còn tổ chức nhiều Hội đoàn, câu lạc bộ văn chương, báo và tạp chí nội bộ. 

 

Ngày đêm vững bước đường đi,

Cậy trông Đức Mẹ, khắc ghi Tình Trời,

Cùng cha Georges “Ra khơi”

“Hướng thượng” lên Chúa, rạng soi thế trần.

 

Thánh thiện, đạo đức muôn phần,

Trau dồi khoa thánh, tập tành đức nhân        

Dẫu rằng gian khó trăm lần,

Đức tin kiên vững, vạn phần tươi xinh.

 

Tiến bước lên chức vụ linh mục

 

Đệ tử sinh Eugène Larouche đã xin và được chấp nhận về sau sẽ là thừa sai giữa những người Ukraina tại miền Tây Canada. Tuy nhiên, Thiên Chúa đã có ý định khác về ngài.

Ngày 2 - 8 - 1911, Eugène Larouche vào nhà tập tại Hochelaga. Vào thời gian đó, đã khấn là khấn trọn chứ không có khấn tạm như sau này. Do đó, các thầy vừa khấn giữ các lời khuyên Tin Mừng, vừa thề bền đỗ trong dòng cho đến chết. Eugène Larouche viết: “Chúng tôi Trọn hiến mình cho Thiên Chúa và các linh hồn như một tu sĩ DCCT”. Tập sinh Eugène Larouche đã cùng 5 khấn sinh khác tuyên khấn vĩnh viễn trong DCCT ngày 8 -9 - 1912. Với quyết tâm trung tín đến cùng trong hiến dâng mình cho Chúa, dù có bao nhiêu thử thách, ngài chỉ biết tín thác vào Chúa để bước tới trên đường đã chọn. 

Sau ngày khấn trọn đời, thầy Eugène Larouche lên đường về Bayswater, Ottawa để hoàn tất 2 năm triết, 4 năm thần học. Đối với thầy, thời gian ở Học viện là thời gian hạnh phúc, với việc học chiếm nhiều thì giờ, cùng với đời sống tu đức, những buổi cầu nguyện, chia sẻ, vui chơi với khẩu hiệu: SOLI DEO et STUDIIS - Chỉ cho Thiên Chúa và việc học. Tất cả việc đạo đức, việc học, giải trí đều hướng về đào tạo những tu sĩ, linh mục thừa sai. 

Ngày 22 - 7 - 1917, tại Montreal, Eugène Larouche được đặt tay để trở thành linh mục. Sau khi thụ phong linh mục, từ năm 1918-1925, cha được sai về làm phụ tá tại đệ tử viện Sainte Anne de Beaupre dưới sự lãnh đạo của cha Louis Philippe Levesque.

 

Một ngàn chín trăm mười hai,

Cùng năm bạn hữu, sánh vai khấn dòng,

Một lần khấn, là trọn đời,

Quyết tâm theo Chúa, bằng lời khấn xin.

 

Một xin Trinh bạch trung kiên

Hai xin Nghèo Khó, bạc tiền chẳng ham,

Ba xin Tuân phục việc làm,

Bốn xin Bền đỗ, vững vàng khiêm cung.

 

Với ơn Chúa đổ muôn trùng,

Bước lên Thánh Chức, chí hùng Thừa sai,

Nhớ tháng bảy, ngày hăm hai

Mở ra Hồng phúc, tương lai sáng ngời.

 

Ơn gọi nối tiếp ơn gọi,

Vườn ươm đệ tử, rạng soi cha về,

Bảy năm gian khó chẳng nề,

Bên đoàn đệ tử trọn bề yêu thương.

 

HÀNH TRÌNH TRUYỀN GIÁO TẠI VIỆT NAM

 

Ngày 19-11-1924, sau khi Tỉnh Mẹ Sainte Anne chấp nhận việc truyền giáo tại Đông Dương, cha Larouche đã tự tay viết đơn xin đi truyền giáo và được chấp nhận. 

 

Nhưng Thánh Ý Chúa mở đường,

Để Cha kiên quyết, chọn đường Thừa Sai,

Miền Viễn Đông, vạn dặm dài

Một đi nào biết, một mai có về?

 

Tinh thần hăng hái chẳng nề,

Tự tay ngài viết, gửi về lá thư,

Trình bày nguyện vọng tâm tư,

Được đi truyền giáo, hằng như Ý Trời.

 

Hồng Ân Chúa, đến muôn đời,

Con xin ca tụng bằng lời tán dương,

Cảm tạ Thiên Chúa tình thương,

Dành con cho Chúa, dặm trường vẫn vui.

 

Ngày ra đi, lắm bùi ngùi, 

Đông người đưa tiễn, sụt sùi vấn vương,

Chí Thừa sai, quyết lên đường,

Vì yêu Thiên Chúa, can trường dấn thân.

 

Đem Tin Mừng, đến ngàn dân,

Loan tin Cứu Thế,  thánh ân lan tràn,

Người nghèo hưởng phúc bình an

Trời Nam rực sáng muôn vàn phúc ân.

 

Đất Việt ghi từng dấu chân

Đoàn đoàn, lớp lớp, đem thân “Vào đời”

Khắc ghi “Cứu Thế” cao vời,

Tin Mừng loan báo, rạng ngời trần gian.

 

Năm 1925, các nhà Thừa sai DCCT đặt chân đến Việt Nam và ngày 30/11/1925, các ngài đến Huế. Tại đây, Đức Cha Allys đã ưu ái đón tiếp và cho các cha được lưu trú tại Tòa Giám Mục Huế. Có thể nói, Đức Cha Allys là một “đại ân nhân” của DCCT tại Việt Nam. Sau này, DCCT dời về đất An Cựu với tu viện mới khánh thành ngày 07/01/1929. Từ buổi đầu, cha Larouche đã thao thức về tương lai của dòng tại Việt Nam, nên đã nhanh chóng muốn thành lập Đệ tử viện Huế nhằm đào tạo thế hệ thừa sai tiếp nối cho Giáo hội Việt Nam.

 

Ba mươi, mười một, hai lăm

Thời gian mới đó, hóa trăm năm rồi

Đón ba Thừa sai, hỡi ôi!

Đức Cha Allys bồi hồi tâm can.

 

Này đây Mục Tử Chúa ban,

Cố đô bỗng hoá thạch bàn đức tin

Đức Cha xây dựng công trình

Là giáo phận Huế thắm tình Chúa thương.

 

Đây Dòng Thánh, tháng năm trường, 

Đức Cha nâng đỡ thắm hương tuyệt vời

Những năm tháng, thuở đầu đời, 

Lưu lại Toà Huế ngời ngời nhớ ơn.

 

Rồi ơn Chúa đổ vô vàn

Cho dòng phát triển toả ngàn viễn phương

Cha Larouche đến mọi đường

Chiêu sinh ơn gọi, mở trường ươm hoa.

 

Ngày đêm nức tiếng gần xa

Từng đoàn, lớp lớp, ghé qua đăng trình

Thánh Ý Chúa, làm phát sinh

Dựng xây Đệ tử, hết mình chăm lo.

 

Đây An Cựu, đất Chúa cho,

Xây nhà Tu viện, lắng lo vơi phiền,

Xong xuôi cha quyết làm liền,

Lập nên Đệ tử, đầu tiên của Dòng.

 

Năm ba mươi, đã làm xong,

Đệ tử viện Huế, hết lòng Chúa thương

Thánh ân tuôn xuống đủ đường

Cho đàn con cái mười phương đến tìm.

 

Như cánh phượng giữa muôn chim

An-phong Đệ tử quả tim sáng ngời

“Tiên Phong”, “Cứu Thế”, “Vào đời”

Quyết tâm “theo Chúa”, đời đời “Hoan ca”.

 

Đệ tử viện, sống bên cha

Hưởng ơn giáo dưỡng, tình ca nhiệm mầu,

Là nhà giáo dục cao sâu,

Cha nên gương mẫu bền lâu vạn phần.

 

“Tiên phong tranh đấu Thiên Thần

Đua nhau mà giữ một lòng tinh anh

Biết rằng xác sạch mới thành

Mới mong giúp được sạch thanh linh hồn

Nên hằng lo giữ cho tròn

Sạch ngoài thân xác sạch trong linh hồn.”

Bề trên nhà Huế

 

Trong giai đoạn từ 11/1946-1950, cha được đặt làm bề trên nhà Huế, đây là giai đoạn rối ren trong lịch sử Việt Nam khi chiến tranh nổ ra giữa Việt Minh và Pháp, với việc Bảo Đại thoái vị. Bởi thế, khi nhận thấy nguy hiểm Nam Phương Hoàng Hậu đã cùng với các con đến trú ngụ tại tu viện DCCT Huế.



Nào ai hiểu thấu càn khôn

Nước Nam tranh đấu, sinh tồn khó khăn

Chiến tranh vây bủa chung quanh

Phù sinh trước gió như mành đung đưa.

 

Đáp lời Thiên Chúa, cha thưa

Bề trên nhà Huế, sớm trưa hết mình

Nhọc lòng chẳng kể công linh

Cha nên chỗ dựa an bình chở che.

 

Thánh Ý Chúa, hằng vâng nghe

Một lòng theo Chúa, chẳng e thập hình

Đây Hoàng Gia, chốn thân tình

Tìm nơi ẩn náu nương mình bình an.

 

Trong trách nhiệm đào tạo Cứu Thế bên trong (Đệ tử viện), và Cứu Thế bên ngoài (Hội Ái Hữu Cựu Đệ Tử), cha hằng luôn quan tâm, và nối kết với những người con trong gia đình Đệ tử viện đã “vào đời” nên đã thành lập Hội Ái Hữu Cựu Đệ Tử nhằm đưa “tinh thần Cứu Thế” đến khắp nơi.

 

Đến khi già yếu sức tàn

Đệ tử Ái Hữu, cơ man thành hình

Cha già ý thức ân tình

Tinh thần Cứu Thế, toả linh giữa đời.

 

Đệ tử xưa, nay vào đời

Dựng xây Nước Chúa, ngời ngời sáng tươi

Tin Mừng đi với nụ cười

Cha làm Linh hướng, làm người dẫn đưa.

 

Mặc dù chọn thuộc về Tỉnh dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, nhưng ngày 5/7/1976, ngài cùng với cha Olivier bị chính quyền mới lệnh phải rời khỏi Việt Nam. Trên chuyến bay ngày 09/07/1976, cha đã rời khỏi Việt Nam mà không bao giờ có cơ hội trở lại. Dù vậy, cha vẫn luôn hướng về Việt Nam. Bởi cha là “LÊ ĐỨC HIỀN”, người CHA NHÂN HẬU, VỊ SÁNG LẬP DÒNG CHÚA CỨU THẾ tại VIỆT NAM.

 

Đây đoàn con cái thân thưa

Nay xin chép lại chuyện xưa ghép thành

Mượn đôi câu chữ làm nhành

Hóa nơi ghi nhớ ghép cành Cây Nho.

 

Thuở xưa ơn Chúa ban cho

Cha ươm vào đất, gốc nho mọn hèn

Dẫu rằng dòng Thánh bao phen

Gốc nho sinh trái, rễ len khắp miền.

 

Cha rạng danh “Lê Đức Hiền”

Một lòng theo Chúa triền miên mọi đàng

Giờ đây ở chốn Thiên Đàng

Cầu cho dưới thế lớp hàng Thừa Sai.

 

Một là yêu Chúa bền gai

Hai là xứng đáng Thừa Sai Chúa Trời

Ba xin theo Chúa trọn đời

Bốn xin được phúc Cửa Trời mai sau.

 

DỰ TU DÒNG CHÚA CỨU THẾ SÀI GÒN

12/08/2024

Thông Xanh (J.N.D.H)

Dựa theo cuốn “Cha Eugène Larouche CSsR” của cha Rôcô Nguyễn Tự Do CSsR.

 

Nhận xét