DỰ TU DÒNG CHÚA CỨU THẾ SÀI GÒN
TÓM
SÁCH THÁNG 11 NĂM 2023
Giu-se Nguyễn Đình Hoài
Tên
sách: LỊCH SỬ VĂN MINH TRUNG HOA
Tác
giả: WILL DURANT (Dịch giả Nguyễn Hiến
Lê)
Số
trang: 400 trang - NXB HỒNG ĐỨC.
Tóm tắt nội dung:
Trung Hoa – một quốc gia
rộng lớn nhất, đông dân nhất Châu Á, không những vậy họ còn có một nền văn minh
cũng thuộc hạng lâu đời nhất, phát triển nhất trên thế giới. Có thể nói rằng,
Trung Hoa cũng như Ấn Độ phải đem so sánh với cả một lục địa, chẳng hạn Châu
Âu, chứ không thể đem so sánh với một nước nào đó được. Vì lịch sử của đất nước
và con người Trung Hoa ấy, đã tác động mạnh mẽ đến lịch sử thế giới và đặc biệt
là các quốc gia, dân tộc vùng Đông Á, trong đó có Việt Nam. Trong lịch sử dân tộc
Việt Nam đã phải chống chọi với nhiều cuộc xâm lược từ Trung Quốc, hơn nữa với
hơn 1000 năm Bắc thuộc, chắc chắn nền văn minh của những người con đất Việt chịu
ảnh hưởng rất nhiều từ văn minh Trung Hoa. Vậy cuốn sách “Lịch sử văn minh Trung Hoa” của Will Durant thật đáng để chúng ta
cùng đọc và suy ngẫm. Cuốn sách là “bản tóm lược” ngắn gọn và cơ bản nhất về lịch
sử của nền văn minh Trung Hoa trên các lĩnh vực tiêu biểu, xuất sắc nhất đó là:
triết học, thi ca, nghệ thuật, dân tộc, quốc gia và thời kỳ cách mạng phục
hưng. Ở lĩnh vực nào, người Trung Hoa cũng để lại nhiều thành tựu xuất sắc, được
kết tinh từ trí tuệ, phẩm cách và lao động.
Người Trung Hoa bảo rằng
ông tổ của loài người là Bàn Cổ, một vị thần thời Thượng Cổ đã sáng tạo ra thế
giới. Sau đó, dần xuất hiện các triều đại phong kiến nối tiếp nhau trị vì. Các
triều đại tuy dài, ngắn khác nhau nhưng đều có một điểm chung là các vị vua
sáng lập triều đại thì anh minh, sáng suốt, chăm lo phát triển đất nước, còn
các ông vua sau thì ham mê hưởng lạc, bỏ bê triều chính, xã hội loạn lạc và bị
một triều đại khác thay thế. Sau đó lại đi vào vết xe đổ của triều trước. Lịch
sử Trung Hoa cứ thế mà xoay vần, suy rồi lại thịnh, thịnh rồi lại suy. Trong
cái vòng lặp của lịch sử ấy, đã xuất hiện những con người kiệt xuất mà tư tưởng
của họ còn ảnh hưởng, và chi phối cho đến ngày nay.
Khởi đầu thời kỳ các triết
gia là Lão Tử, ông là triết gia lớn nhất sinh trước Khổng Tử. Tư tưởng lớn của
ông là sống thuận theo tự nhiên, tôn trọng các quy luật trong trời đất. Lão Tử
có câu nói rất nổi tiếng: “Đạo khả đạo
phi thường đạo” được trích trong một tác phẩm lớn của ông. Đó là cuốn Đạo đức
kinh. Đây là tác phẩm quan trọng nhất của cái triết lí mà người ta gọi là đạo
Lão. Nối tiếp Lão Tử là một khuôn mặt vĩ đại nhất trong tư tưởng của Trung Hoa
đó là Khổng Tử. Ông cho rằng con người cần phải tu dưỡng bản thân cho tốt, rồi
làm sao cho gia đình êm ấm, nề nếp, sau đó mới dám nghĩ đến làm cho nước mình
an bình, no ấm, cuối cùng mới tính chuyện thiên hạ: “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Khổng Tử là người coi trọng
lễ nghĩa. Đối với ông, để trị nước cần dùng “Đức
trị”. Nên với nữ nhi, ông đề ra “tam
tòng” nghĩa là “tại gia tòng phụ, xuất
giá tòng phu, phu tử tòng tử” và “tứ
đức” gồm có “công – dung – ngôn – hạnh”.
Với bậc quân tử cần phải tuân giữ tam
cương “vua – tôi, cha – con, chồng –
vợ”, và ngũ thường là “nhân, nghĩa, lễ,
trí, tín”. Những tư tưởng ấy được lưu lại trong tứ thư (gồm có Đại học,
Trung dung, Luận ngữ và Mạnh Tử) và ngũ kinh (kinh Thi, kinh Thư, kinh Lễ, kinh
Dịch và kinh Xuân Thu) là những tác phẩm quan trọng bậc nhất trong Nho giáo và
chi phối toàn bộ các triều đại phong kiến Trung Quốc. Ngoài ra, lịch sử tư tưởng
Trung Quốc còn có sự đóng góp không nhỏ của các triết gia khác như Tuân Tử với
chủ trương “pháp trị”, Mặc Tử chủ trương “vô chính phủ”, Trang Tử với chủ thuyết
“trở về với thiên nhiên”, Mạnh Tử - người được mệnh danh là thầy của các vị
vua.
Về thi ca phải kể đến thời
Đường với việc nở rộ của các nhà thơ đã làm nên một nền Thơ Đường đồ sộ với hơn
48.900 bài thơ của 2.300 thi sĩ. Trong đó nổi bật nhất phải kể đến vị Trích
Tiên – Lý Bạch, ông được xem là nhà thơ có ảnh hưởng nhất trong phong trào Thơ
Đường. Nét nổi bật trong thơ ông đó là “ý
tại ngôn ngoại” nghĩa là nội dung câu thơ được ẩn tàng bên trong những lớp
từ ngữ. Bài thơ nổi tiếng của ông là bài “Tĩnh
dạ tứ”:
“Sàng tiền minh
nguyệt quang, Nghi thị địa thượng
sương, Cử đầu vọng minh
nguyệt, Đê đầu tư cố
hương.” |
“Đầu giường ánh
trăng rọi, Ngỡ mặt đất phủ sương, Ngẩng đầu nhìn trăng
sáng, Cúi đầu nhớ cố
hương.” |
Bên cạnh đó, Đỗ Phủ - Bạch
Cư Dị cũng được xem là một gương mặt quen thuộc trong Thơ Đường. Thơ ông thường
dễ hiểu, bình dân nên được nhiều tầng lớp ở xã hội Trung Quốc thời bấy giờ biết
đến. Ông được mệnh danh là “Thi Thánh” nổi tiếng với bài “Trường ca hận” kể lại
cái chết của Dương quý phi và nỗi trường hận của Đường Minh Hoàng.
Về văn xuôi ở Trung Quốc
nổi tiếng với thể loại tiểu thuyết, trong đó phải nói đến “Tứ đại danh tác” gồm có “Tam quốc chí” của La Quán Trung, “Thủy hử”
của Thi Nại Am, “Tây Du Ký” của Ngô Thừa Ân và “Hồng Lâu Mộng” của Tào Tuyết Cần.
Đây là bốn cuốn tiểu thuyết nổi tiếng bậc nhất không chỉ ở Trung Hoa đại lục
nhưng ở nhiều nước trên thế giới. Ngoài ra, phải kể đến thể loại Sử ký mà bộ “Sử
ký của Tư Mã Thiên” phải được liệt kê hàng đầu. Đây là tác phẩm bất hủ kể lại gần
ba ngàn năm lịch sử Trung Hoa từ thời vua Hoàng Đế đến khoảng năm 104 thời Hán
Võ Đế, với 526.000 chữ, viết bằng một cây nhọn lên thẻ tre.
Về kiến trúc, chắc không
ai trên thế giới không biết hay nghe đến Vạn Lý Trường Thành dài 2.400 cây số,
cứ cách quãng đều đều lại có các cửa ải dầy dặn, to lớn, phải xây dựng trong mười
năm mới xong. Đây là công trình có khi còn vĩ đại hơn cả Kim Tự Tháp ở Ai Cập. Còn
hội họa ở Trung Hoa khác hẳn phương Tây từ nguyên tắc tới phương pháp. Tương
truyền họa sĩ đầu tiên của Trung Hoa là một người đàn bà. Bà là chị (em) của
vua Thuấn. Hội họa chia thành hai trường phái là Bắc Tôn và Nam Tôn. Bắc Tôn
thì giữ lối vẽ sơ sài, tiết độ của nghệ thuật cổ điển mà tiêu biểu là Chu Hi. Còn
Nam Tôn thiên về màu sắc và hình thể, họ giàu tưởng tượng và tình cảm phong phú
hơn. Trong đó, nổi bật nhất là Vương Dương Minh. Ông cho rằng phong cảnh chỉ là
biểu hiện của tâm trạng mà thôi. Có thể tóm lược hội họa Trung Hoa trong câu
sau: “Thi trung hữu họa, họa trung hữu thi” [1]– tức là trong thơ có họa,
trong họa có thơ. Các họa sĩ Trung Hoa vừa là thi sĩ, vừa là họa sĩ. Họ cố hết
sức kết hợp cả hai nghệ thuật này lại với nhau khiến mỗi bức họa nên như một
bài thơ.
Dân tộc Trung Hoa là một
dân tộc kiên cường. Họ sẽ đồng hóa kẻ xâm lăng, học được hết các kĩ thuật mà
chúng gọi là kĩ nghệ hiện đại, rồi tiêu diệt chính những kẻ xâm lăng đó. Về tôn
giáo, Ki-tô giáo vào Trung Hoa vào khoảng năm 636 sau Tây lịch, tuy nhiên phát
triển rất chậm vì nhiều yếu tố. Một trong các lý do là sự khác biệt trong cách
thức truyền giáo của các cha dòng Tên và các dòng tu khác. Các tu sĩ dòng Tên
là những nhà tâm lý khôn khéo đã tìm được những thể thức khiến cho các yếu tố
căn bản của tinh thần kính tín Trung Hoa – tức sự thờ phụng tổ tiên và Trời –
có thể hội nhập với đức tin Ki-tô giáo mà không làm cho các chế độ đã thấm nhuần
tâm hồn Trung Hoa bị trốc rễ, không làm cho tinh thần họ mất sự quân bình; trái
lại các tu sĩ dòng Đa-minh và Phan-xi-cô lại hiểu lầm, cho nghi lễ đó là những
phát minh của quỷ và ra sức ngăn cấm. Điều đó, khiến vua Khang Hi lúc đầu rất
thiện cảm với Công giáo, giao các hoàng tử cho các tu sĩ dòng Tên dạy dỗ, nhưng
sau khi Giáo hội chuẩn y thái độ cứng rắn của dòng Đa-minh thì vua Khang Hi
không nâng đỡ Ki-tô giáo nữa. Ngày nay, sau ngàn năm đặt chân đến Hoa Lục, số
giáo dân ở đại lục chỉ chiếm khoảng một phần trăm dân số. Đó thật là điều đáng
tiếc của lịch sử!
Văn minh Trung Hoa đã trải
qua thời kỳ định hình và phát triển, hưng thịnh rồi tàn suy luân phiên nhau. Nó
xuất hiện trước cả văn minh Babylon, Át-si-ri, Ba Tư, Judee, A-then, …vậy mà
sau khi chứng kiến sự suy tàn của các văn minh đó, thì văn minh Trung Hoa vẫn đứng
vững. Không phải nó không chết, trái lại đã chết nhiều lần nhưng lần nào cũng hồi
sinh mạnh mẽ.
[1]
Chuyện kể rằng, có lần vua Tống Huy Tông trong một cuộc thi họa, bảo các thí
sinh vẽ một bức tranh để diễn ý câu thơ này: “Đạp hoa quy khứ, mã đề hương” (con
ngựa dẫm hoa trở về, móng còn thơm). Người được giải đã vẽ một con ngựa có một
đàn bướm bay quanh những móng chân.
Nhận xét
Đăng nhận xét