CUỘC CÁCH MẠNG CỦA GIÁO HOÀNG PHANXICÔ

 

DỰ TU DÒNG CHÚA CỨU THẾ SÀI GÒN

TÓM SÁCH THÁNG 10 NĂM 2023

Giu-se Nguyễn Đình Hoài

Tên sách: CUỘC CÁCH MẠNG CỦA GIÁO HOÀNG PHANXICÔ

Tác giả: MARCO POLITI (Giuse Ngô Gia Biên, OP)

Số trang: 425 trang - NXB TÔN GIÁO

Tóm tắt nội dung:

Tôi nài xin Thiên Chúa soi sáng và hướng dẫn anh chị em, để trong cuộc sống và trong các tương quan với chính quyền dân sự và với tất cả mọi người, không phân biệt tôn giáo, sắc tộc hay văn hoá, anh chị em biết cách làm chứng cho tình yêu và lòng bác ái của Chúa Giêsu, để tôn vinh Thiên Chúa.” Đó là lời nhắn nhủ của ĐTC Phanxicô trong Thư gửi cộng đoàn Công giáo Việt Nam ngày 29/09/2023 vừa qua. Qua lời này, chúng ta nhận ra ước muốn đặc biệt nơi vị Giáo hoàng Achentina đó là một Giáo hội “đi ra” như có lần ngài nói: “Tôi có cảm tưởng rằng Đức Giê-su đang bị giam trong lòng Giáo hội, và ngài đang gõ cửa để xin đi ra.” Một Giáo hội nghèo của người nghèo. Một Giáo hội mà ngài định nghĩa là “Mẹ và mục tử”. Từ khi lên ngôi Giáo hoàng ngày 13/03/2013, ĐTC Phanxicô đã thổi một làn gió mới vào đời sống Giáo hội mà người ta gọi là “Cuộc cách mạng”. Vị Giáo hoàng dòng Tên từng bước đặt chân lên mọi “miền đất” của Hội Thánh. Từ quả tim Vatican trong việc cải tổ giáo triều, đến việc thăm viếng các “giáo hội nhỏ bé” mà mới đây nhất là chuyến tông du đến Mông Cổ. ĐTC Phanxicô đã công bố một Giáo hội không để mình bị “đóng khung trong những luật lệ”, không bám víu “một cách quá đáng vào “sự an toàn của giáo lý”, không biến tôn giáo thành một ý thức hệ, nhưng chỉ tập trung vào lời loan báo nền tảng: “Đức Giê-su Ki-tô đã cứu độ bạn”.

Trước hết và trên hết, ĐTC Phanxicô là một mục tử “mang vào mình mùi chiên”. Sinh ra và lớn lên ở Buenos Aires, một thành phố có đủ mọi sắc tộc, tôn giáo, văn hóa, Jorge Mario Bergoglio đã không ở “mút cùng thế giới” nhưng ngược lại, ngài đã ở trung tâm của bộ mặt thế giới. Sự phân hóa giàu nghèo cách rõ rệt, các tệ nạn xã hội, ma túy, các tổ chức tội phạm, bất công xã hội, cả thế giới dường như được thu nhỏ lại nơi thành phố này với đủ mọi vấn đề của nó. Đức cha Bergoglio biết rõ điều đó, nhưng ngài không trốn tránh, không lo sợ. Vị tổng giám mục đi ra phố như một linh mục, ngài xác tín sâu xa rằng việc gặp gỡ người nghèo giúp tìm được sự phong phú thiêng liêng, bởi vì nơi người nghèo, người ta nhận ra tính thật thà và đơn sơ cách đặc biệt trong những mối tương quan với Chúa. Đến tuổi về hưu, đức cha Bergoglio vẫn không biết rằng cuộc đời mình bước sang một khúc quanh mới.

Mỗi người được “sinh ra” vào một thời kỳ cụ thể. Karol Wojtyla được hun đúc trong cuộc chiến thầm lặng chống sự chiếm đóng của Đức Quốc Xã, rồi làm việc tại các mỏ đá và nhà máy ở Solvay. Bê-nê-đic-tô XVI được huấn luyện trong các giảng đường đại học. Pio XII và Phaolo VI lớn lên trong các văn phòng Quốc vụ khanh Vatican. Gioan XXIII trưởng thành giữa các anh em Chính Thống tại Bulgary và Hồi giáo ở Thổ Nhĩ Kỳ. Còn Jorge Mario Bergoglio được tái sinh bằng những quãng đường trên xe metro, nhìn thành phố bằng chính tấm lòng của mình, đo khoảng cách giữa các doanh trại quân đội bằng chính đôi chân của mình. Lúc Hồng Y Giovanni Batista Re hỏi ngài có chấp nhận kết quả bầu cử không, vị Hồng Y người Achentina đã không ngần ngại trả lời: “Tôi nhận danh hiệu là Phanxicô để kính nhớ thánh Phanxicô Assisi.” Phanxicô có nghĩa là thập giá, niềm vui và nghèo khó. Phanxicô là con người của hòa bình. Bergoglio phát biểu với những ai đã bầu ngài: “Xin Thiên Chúa tha thứ cho các ngài.” Đây là lời mà trước đây đức Albino Luciani đã nói khi ngài được bầu làm Giáo hoàng Gioan Phaolo I. Đức Phanxicô không mặc áo choàng bằng vài lanh mỏng, không có khăn choàng vai, không giây stola. Ngài từ chối thánh giá vàng để chỉ giữ lại thánh giá bằng sắt ngài vẫn mang. Ngài yêu cầu chỉ mặc áo dài trắng giáo hoàng, đã trở thành biểu tưởng của Đức Gioan Phaolo II trong các chuyến tông du. Đây là những thay đổi đầu tiên trong triều đại giáo hoàng của ngài.

Trong vai trò Giáo hoàng, Đức Phanxicô luôn tìm cách khắc họa khuôn mặt một linh mục. Ngài để người ta ôm hôn ngài. Ngài tìm cách gặp gỡ con người, đụng chạm đến họ và để người ta đụng chạm đến mình. Sự thẳng thắn của ngài còn biểu lộ qua cách ngài tố cáo những vụ tham nhũng trong Giáo hội. Ngài than phiền: “Tôi đau buồn khi chứng kiến một linh mục hay tu sĩ đi chiếc xe hơi đời mới”. Ngài lặp lại rằng không có sự thánh thiện trong sự buồn thảm. Ngài giải thích rằng chiêm niệm phải dẫn tới niềm vui, tới con người, tới nụ cười. Nhưng không phải là nụ cười của các tiếp viên! Mà là nụ cười phát xuất từ trong nội tâm mình. Ngài xác tín đức tin cũng giống như một cuộc sống vui tươi dưới dấu chỉ của Tin Mừng, không bị bẻ cong bởi cái nhìn về Thiên Chúa như người cảnh sát. Vì Thiên Chúa không mệt mỏi khi tha thứ cho chúng ta. Người Ki-tô hữu cầu xin Thiên Chúa thì cũng phải sẵn sàng trao ban cho tha nhân.

Một chương trình “cách mạng”. ĐTC Phanxicô đã khởi xướng một loạt các thay đổi trong Giáo hội, bắt đầu từ giáo triều, ngài nói: “các cơ cấu ở cấp trung ương của Giáo hội phổ quát cần lắng nghe tiếng kêu gọi phải thực hiện một cuộc hoán cải mang tính mục vụ.” Giáo triều phải trở thành “một công cụ phục vụ cho sự liên kết giữa giáo hoàng và các giám mục trên thế giới”. Ngài nỗ lực hết mình cho hòa bình của nhân loại khi nói: “Hòa bình là một thiện hảo vượt lên trên mọi rào cản, bởi vì hòa bình là một thiện hảo của toàn thể nhân loại.” Để xây dựng hòa bình, ĐTC Phanxicô đã thốt lên: “Để xây dựng hòa bình phải có lòng can đảm, phải can đảm hơn cả việc tham chiến. Cần can đảm để chấp nhận đối thoại và từ chối bạo lực, chấp nhận tôn trọng những hiệp ước và từ chối gây hấn; chấp thuận thái độ chân thành và từ chối thái độ hai mặt.” ĐGH Phanxicô với tính kiên nhẫn của một tu sĩ dòng Tên uyên bác vẫn cần mẫn cày bừa và gieo hạt. Ngài ý thức mình bắt đầu một tiến trình vượt quá triều đại giáo hoàng của mình. Điều đó không làm ngài lo lắng nhưng càng tín thác vào Chúa hơn nữa như ngài vẫn lặp lại: “Hãy cầu nguyện cho tôi!”.

Với sự trưởng thành của một linh mục, giám mục, người duy nhất đã trải nghiệm kinh nghiệm tại một thành phố lớn như Buenos Aires, nơi có nhiều chủng tộc, trào lưu tư tưởng, tôn giáo và điều kiện sống khác nhau. Ngài đã không ở “mút cùng thế giới” nhưng ngược lại, ngài sống và hoạt động ngay giữa trung tâm của tình trạng toàn cầu hóa với nỗi đau cũ vẫn còn rỉ máu và những vết thương ngày càng lan rộng. Ngài đã khắc tên mình lên lịch sử giáo hội bằng “cuộc cách mạng Phanxicô”.

· TIỂU SỬ CỦA ĐGH PHAN-XI-CÔ:

Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô sinh ngày 17 tháng Mười Hai 1936 tại Buenos Aires. Theo học ngành hóa và trở thành kỹ thuật viên hóa học, nhưng sau lại chọn con đường làm linh mục và gia nhập chủng viện Villa Devoto. Ngày 11 tháng Ba 1958, vào tập viện Dòng Tên, và hoàn tất chương trình học các môn khoa học nhân văn ở Chile. Năm 1963, trở về Buenos Aires, đậu bằng triết học tại Đại chủng viện Thánh Giuse ở San Miguel.

– Từ năm 1964 đến 1965, dạy văn chương và tâm lý học tại trường Immacolata ở Santa Fe và sau đó vào năm 1966, cũng dạy các môn này tại Đại học El Salvador, ở Buenos Aires.

– Từ năm 1967 đến 1970, học thần học và tốt nghiệp tại Đại chủng viện Thánh Giuse ở San Miguel. Ngày 13 tháng Mười Hai 1969, thụ phong linh mục. Từ 1970-1971, hoàn tất giai đoạn tập sinh thứ ba tại Alcala de Henares, Tây Ban Nha, và khấn cuối vào ngày 22 tháng Tư 1973.

– Từ 1972 đến 1973 là giám tập và dạy thần học tại Villa Varilari, San Miguel. Ngày 31 tháng Bảy 1973, được bầu làm Giám tỉnh Argentina, và giữ chức vụ này trong sáu năm.

– Từ 1980 đến 1986, là Khoa trưởng Phân khoa Triết học và Thần học của Đại chủng viện Thánh Giuse, San Miguel đồng thời coi sóc giáo xứ San Jose thuộc giáo phận San Miguel. Tháng Ba 1986, ngài đi Đức để hoàn thành luận án tiến sĩ. Sau đó, Bề trên gửi ngài đến Đại học El Salvador và sau đó đến Cordoba để làm cha giải tội và linh hướng.

– Ngày 20 tháng Năm 1992, Đức Gioan Phaolô II bổ nhiệm ngài làm giám mục phụ tá Buenos Aires hiệu tòa Auca. Thánh lễ tấn phong giám mục cử hành tại Nhà thờ Buenos Aires do Đức hồng y Antonio Quarracino, Sứ thần Tòa Thánh Ubaldo Calabresi, và Đức giám mục Emilio Ognenovich, giáo phận Mercedes-Lujan vào ngày 27 tháng Sáu cùng năm.

– Ngày 03 tháng Sáu 1997, được bổ nhiệm làm Tổng giám mục phó Tổng giáo phận Buenos Aires và kế nhiệm Đức hồng y Antonio Quarracino vào ngày 28 tháng Hai 1998.

– Phụ tá Tổng phúc trình viên tại Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ X, tháng Mười 2001.

– Chủ tịch Hội đồng Giám mục Argentina từ 08-11-2005 đến 08-11-2011.

– Được Thánh Gioan Phaolô II tấn phong Hồng y trong Công nghị 21 tháng 2 năm 2001, nhận nhà thờ tước hiệu Thánh Roberto Bellarmino.

– Là thành viên của: Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích, Bộ Giáo sĩ, Bộ Phụ trách Đời Sống Tận Hiến và các Hiệp hội Đời sống Tông Đồ, Hội đồng Tòa Thánh về Gia đình, và Ủy Ban Tòa Thánh về Châu Mỹ La Tinh.

-  Ngày 13 tháng 03 năm 2023, Ngài được bầu làm Giáo Hoàng thứ 266 với tước hiệu là Phan-xi-co.

 


Nguồn ảnh: Internet

Nhận xét