DỰ TU DÒNG CHÚA CỨU THẾ SÀI GÒN
TÓM SÁCH THÁNG 09 NĂM 2023
Giu-se Nguyễn Đình Hoài
Tên
sách: Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI – Rất
khiêm nhu – Rất vĩ đại.
Tác
giả: PELERIN (Nt. Quỳnh Giao, FMM chuyển ngữ)
Số
trang: 210 trang - NXB TÔN GIÁO
Tóm tắt nội dung:
“Chúng ta có thể tin chắc
chắn là Giáo Hoàng yêu quý của chúng ta đang ở cửa sổ trong nhà Cha Chung của
chúng ta, Ngài đang thấy chúng ta và Ngài chúc lành cho chúng ta.”
Đó là lời kết thúc bài giảng của Hồng Y Joseph Ratzinger trong thánh lễ an táng
Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II vào ngày 8-4-2005 tại Quảng trường thánh Phê-rô.
Mười ngày sau đó, chính Đức Hồng Y Joseph Ratzinger đã được chọn làm người kế vị
Cố Giáo Hoàng. Từ đây, Giáo hội được dẫn dắt bởi một vị Giáo hoàng rất khiêm
nhu và rất vĩ đại – Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI. Cuốn sách “Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI – Rất khiêm nhu
– Rất vĩ đại” của Pelerin cho chúng ta một góc nhìn về một con người, một
chương trình, và một thời kỳ của một vị Giáo hoàng khiêm nhu như Ngài đã tự nhận
xét về mình như sau: “Kế nhiệm sau vị
Giáo Hoàng vĩ đại là Gioan Phaolo II, các Hồng Y đã chọn tôi – một người làm
công đơn sơ và khiêm nhu trong vườn nho của Thiên Chúa.”
Một
cuộc bầu chọn bất ngờ. Ngày 19 tháng 4, ba tuần sau lễ Phục sinh, xuất hiện làn
khói trắng từ ống khói nhà nguyện Sixtine, vào lúc 17 giờ 52 phút, Hồng Y Jorge
Medina Extevez công bố điều mọi người chờ đợi: “Habemus Papam” (Chúng ta đã có Giáo Hoàng). Khi nghe âm vang xác
định: Hồng Y Joseph Ratzinger, một
vài khuôn mặt bất động và ngạc nhiên. Trong đầu nhiều người đã xuất hiện hình ảnh
“Panzer – kadinal” (Hồng Y thiết giáp) biệt danh của vị Tổng Trưởng Thánh Bộ
Giáo Lý Đức Tin. Khi xuất hiện ở ban công chính của Vương Cung Thánh Đường
Thánh Phê-rô, Ngài vẫy tay chào dân chúng và ban phép lành đầu tiên cho Thành
Phố Vĩnh Hằng và thế giới: “Tôi phó thác
vào lời cầu nguyện của anh chị em.” Quả thật, Ngài cần đến lời cầu nguyện của
mọi người trong suốt triều đại của mình. Đối với Ngài, người linh mục và thần học
gia xứ Bavaria, từ đây bước vào bình minh của một ngày mới, một sứ vụ mới.
Joseph
Ratzinger - nhà trí thức trung thành với Thiên Chúa. Việc bầu chọn người kế vị
thánh Phê-rô là một Hồng Y xuất thân từ Đức, hơn nữa là người bảo vệ trung
thành giáo lý đức tin đã gây ngạc nhiên cho nhiều bình luận gia. Người con xứ
Bavaria, đã cống hiến đời mình cho việc nghiên cứu thần học và cho Giáo hội.
Hành trình của Ngài là hành trình của một nhà trí thức sáng ngời, khiêm nhu,
kín đáo và hoàn toàn tận tâm cho Thiên Chúa. Có thể nói Ngài đã có một thời
niên thiếu vô tư. Tuy nhiên, lịch sử đã thay đổi: khóa chủng sinh mà Ngài gia
nhập năm 1943 được gọi đến Munich và phải tham gia vào DCA (Bộ Bảo an phòng
không). Trong nhật ký, Ngài viết: “Thời gian sống tại DCA là quãng thời gian thật
lãng phí.” Được trả tự do ngày 19 tháng 06 năm 1945, thanh niên trẻ Ratzinger
chưa đầy 19 tuổi được tiếp nhận vào Đại chủng viện Freising. Ngài có niềm say
mê mãnh liệt với các môn triết học và thần học và tốt nghiệp tiến sĩ với đề tài:
Thần học lịch sử của thánh Bonaventura.
Sau đó, Ngài dạy học tại nhiều đại học và chủng viện, tiếp xúc với nhiều thần học
gia danh tiếng thời bấy giờ. Đặc biệt, giáo sư Ratzinger đã được Hồng Y Joseph
Frings mời gọi làm chuyên viên tại công đồng Vatican II. Ngài thành lập tập san
Communio nhằm giúp người Công Giáo tránh việc đọc sách theo Mác-xít. Những cống
hiến của Ngài đã được Đức Phaolo VI công nhận khi bổ nhiệm Ngài làm Tổng Giám Mục
Munich và Freising vào ngày 25 tháng 3 năm 1977 và vào tháng 6 cùng năm, Ngài
được tiến cử làm Hồng Y. Trong thời kỳ làm Tổng Giám Mục, Ngài được đánh giá là
cởi mở trên phương diện mục vụ. Nhưng Ngài cũng thể hiện vai trò mạnh mẽ trong
việc bảo vệ tính chính thống của Giáo Hội.
“Tôi chỉ biết nói rằng
bên cạnh những Giáo Hoàng vĩ đại cũng có những Giáo Hoàng nhỏ bé, cống hiến những
gì mình có thể.”, “Giáo Hoàng nhỏ bé” là danh xưng mà Đức Biển
Đức XVI tự đặt cho mình để so sánh với từ “khổng lồ” mà vị tiền nhiệm của Ngài
đã chứng tỏ. Liệu Đức Biển Đức XVI là người nhỏ bé chăng? Chỉ lịch sử mới có thể
minh chứng được điều này. Sự khiêm nhu là đức tính nổi bật nơi con người của Ngài
ngay cả khi biết rằng mình được thiên phú cho một trí tuệ hiếm hoi, nhưng trên
hết Ngài vẫn quy hướng chúng về Thiên Chúa, bằng cách phó thác cho sự quan
phòng kỳ diệu của Thiên Chúa. So với vị tiền nhiệm, Ngài tái lập chiều kích về
sứ vụ Giáo hoàng trên những điều mà Ngài cho là cơ bản nhất. Là một nhà thần học
với khả năng sư phạm về đức tin, Đức Bê-nê-đic-tô XVI gặp gỡ mọi tầng lớp quần
chúng và đối thoại với họ. Ngài được biết đến như là vị Giáo hoàng cuối cùng đã
từng sống trong thời gian diễn ra Công đồng Vatican II. Trong vai trò là chuyên
viên, Ngài đã tham gia bốn khóa họp và tham gia vào việc soạn thảo các văn bản
của Công đồng. Suốt triều đại, Đức Biển Đức XVI đã luôn khắc ghi Công đồng Vatican
II trong sự tiếp nối của Huấn quyền và Truyền thống của Giáo hội. Cách đặc biệt,
Ngài có niềm đam mê cho phụng vụ khi trở về với những hình thức và các vật dụng
dùng trong phụng vụ đã đánh mất. Ngài cống hiến cho sứ vụ hiệp nhất Giáo hội, gần
gũi với người Do Thái và cởi mở với đối thoại liên tôn. Mặc dù khá đối lập với
vị tiền nhiệm nhưng theo cách riêng của mình Đức Biển Đức XVI đã xây dựng mối
tương giao bền chặt với người trẻ bằng sự đơn sơ và khả năng sư phạm của Ngài gồm
những cử chỉ kín đáo, giọng nói nhỏ nhẹ, bài diễn văn cô đọng. Triều đại của Ngài
trải qua nhiều sóng gió khi phải đối diện với những khủng hoảng, mà nguyên nhân
xuất phát từ hành vi của một số thành viên của Giáo hội.
"Lạy Cha, con xin phó thác linh
hồn con trong tay Cha". Đức Thánh
Cha Phanxico đã mượn lời cuối cùng của Chúa Giê-su trên thánh giá để mở đầu bài
giảng lễ an táng Đức Biển Đức XVI, như muốn nói lên toàn bộ cuộc đời của cha Joseph Ratzinger đã tập trung vào Chúa Kitô,
cho đến hơi thở cuối cùng. Ngài đã sống trách nhiệm Giáo hoàng như một
cuộc đấu tranh mà vũ khí duy nhất là sự đơn sơ, khiêm nhu và một tâm hồn sâu sắc.
Tiểu sử của Joseph
Ratzinger:
-
Sinh ngày 16/04/1927 tại Marktl am Inn,
Baviere.
-
1946-1951: Học triết và thần học tại Viện
Cao Học Freising và tại Đại học Munich.
-
29/06/1951: Thụ phong linh mục.
-
1952-1969: Dạy thần học tại Freising,
Bonn, Munster, và Tubingen.
-
1962-1965: Chuyên gia tại Công đồng
Vatican II.
-
1969-1977: Giáo sư tín lý và lịch sử các
tín điều tại đại học.
-
1977: Đức Giáo Hoàng Phaolo VI bổ nhiệm Ngài
làm Tổng Giám Mục tại Munich và Freising, ngày 25.03 và Hồng Y ngày 27.06.
-
1978: Tham gia Mật Viện bầu chọn Đức Gioan
Phaolo I ngày 26.08. Sau đó, bầu chọn Gioan Phaolo II ngày 16.10.
-
25.10.1981: Đức Gioan Phaolo II bổ nhiệm Ngài
làm Tổng Trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin.
-
1986-1992: Chủ tịch Ủy ban chịu trách nhiệm
chuẩn bị Giáo Lý mới của Giáo hội Công Giáo.
-
13/01/1992: Trở thành đối tác nước ngoài với
Viện Hàn Lâm Khoa Học Lý Luận và Chính Trị của Paris.
-
11/2002: Được bầu chọn làm Niên Trưởng Hồng
Y Đoàn.
-
19/04/2005: Được bầu chọn làm Giáo Hoàng
thứ 265 và lấy tông hiệu là Biển Đức XVI.
-
28/02/2013: Từ chức và lui về đan viện
Mater Ecclesiae.
-
Vào lúc 9:34 sáng (giờ Roma)
ngày 31.12.2022, Đức Biển Đức XVI đã trút hơi thở cuối cùng tại tu viện Mater
Ecclesiae ở Vatican.
Nhận xét
Đăng nhận xét