BIẾT
MÌNH
Có câu
nói thế này: “Trong số tất cả các trách
nhiệm trên thế giới, trách nhiệm cơ bản nhất chính là phải trở thành chính
mình”. Trong những năm gần đây, người ta thường nhắc đến cụm từ: “Hãy là chính mình”. Nhưng để có thể “là mình” chúng ta lại cần phải “Tìm ra mình” hay “Nhận ra mình” tức là phải “Biết
mình”. Không phải đến thế kỷ XXI này, người ta mới bắt đầu đi tìm “mình” nhưng từ lâu con người đã thao thức
trong ước muốn biết mình là ai. “Hãy biết
mình” là câu nói thời danh đã làm nên tên tuổi của đại triết gia Socrate.
Là một con người, thánh Augustino cũng không tránh khỏi những thao thức, khắc
khoải về đời sống nhân sinh. Nên ngài đã cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa, xin cho con biết con, xin cho con biết Chúa.”, thao thức
được biết mình, hiểu về chính mình và khắc khoải cảm nghiệm về Thiên Chúa, nhận
ra ý Chúa trong cuộc đời mỗi người là nỗi thao thức, là niềm khắc khoải lớn lao
nhất của con người.
“Biết mình” và “Biết Chúa” là hai cùng đích trong một hành trình cuộc đời. Khi cầu
nguyện “Lạy Chúa, xin cho con biết con,
xin cho con biết Chúa.”, thánh Augustino đã bày tỏ niềm khao khát tự sinh
được thấu hiểu và chân nhận. Có thể nói, thánh nhân là một con người “lắm tài, nhiều tật”. Là một con người
tài hoa, Augustino càng triển nở và thành công trên đường tri thức, học vấn bao
nhiêu thì đời sống luân lý, đạo đức lại càng tụt dốc và thê thảm bấy nhiêu. Vốn
có tư chất thông minh, Augustino đề cao sức mạnh của lý trí. Ngài say mê tri thức.
Điều đó giúp ngài nhanh chóng trở thành một nhà hùng biện lỗi lạc, một học giả
uyên bác. Ngài kinh qua nhiều học thuyết, nhiều tư tưởng và lắm lúc ngài dùng
các tư tưởng đó để biện minh cho lối sống tội lỗi của mình. Nhưng trong sâu thẳm
con người mình, Augustino luôn khắc khoải tìm về chân – thiện – mỹ. Điều mà
ngài không thể tìm thấy ở bất kỳ đâu ngoài nơi Thiên Chúa đến nỗi Augustino đã
phải thốt lên “Lạy Chúa, con đã yêu Ngài
quá muộn màng.”
Nhưng
giữa mây mù của ảo ảnh thế gian, và đêm tối của vật chất, làm sao ta có thể
nhìn ra chính mình? Làm thế nào ta có thể mở lòng đón nhận thánh ý Thiên Chúa? “Biết mình” là hành trình khám phá ra khả
năng và giới hạn của bản thân. Là nhận thấy những nét độc đáo, là ý thức được
những yếu đuối, mỏng manh của kiếp nhân sinh. Trên hết, biết mình là nhận ra ơn
Chúa trong cuộc đời. Hành trình đó đòi hỏi mỗi cá nhân phải “xét mình”, trở về
với lòng mình, đối diện với trọn vẹn con người, không che đậy, không giấu giếm.
Cũng vậy, để “biết Chúa”, đòi hỏi ta
cần đặt mình trước Chúa, mở lòng lắng nghe Chúa nói vì chỉ có Chúa mới là Đấng
biết con còn hơn con biết về chính mình như trong sách Giê-rê-mia đã chép: “Trước khi ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta
đã biết ngươi” (Gr 1,5) hay trong Thánh vịnh 139,2 “Lạy Chúa, Ngài dò xét con và Ngài biết rõ, biết cả khi con đứng con ngồi.
Con nghĩ tưởng gì Ngài thấu suốt từ xa”. Hơn hết, Chúa là Đấng dựng nên ta
nên Ngài biết rõ ta ngay cả khi ta còn chưa biết mình. Biết Chúa yêu thương con
người, và Ngài gọi “đích danh” từng
người. Từ đó, con người đi đến cùng đích là nhận ra thánh ý Chúa và can đảm đáp
trả trong cuộc đời. Bởi vì, biết Chúa là niềm hạnh phúc lớn lao. Khi sinh ra ta
đã mang trong mình khát khao “hướng thượng”.
Đó là hướng lên trời cao, nhìn về Đấng Chí Thánh và ước muốn được gặp Ngài diện
đối diện như thánh Augustino đã nói: “Chúa
đã dựng nên chúng con nên lòng chúng con khắc khoải cho tới khi được nghỉ yên
trong Chúa.” Nỗi khát khao được gần bên Chúa là niềm khắc khoải tự hữu nơi
con người.
Biết
mình đã khó nhưng chấp nhận con người mình thì lại càng khó hơn. Bởi vì ai
trong chúng ta cũng muốn là “phiên bản tốt
nhất của chính mình” nên làm thế nào ta có thể chấp nhận mình là một con
người đầy loang lỗ, đầy thiếu sót. Tin mừng thương khó khắc họa cho chúng ta về
hai khuôn mặt đã “biết mình” đó là Phê-rô và Giu-đa. Phê-rô khi nhận ra sự yếu
đuối, tội lỗi của mình, ngài đã nhìn vào ánh mắt của Chúa Giê-su và chạy ra
ngoài khóc lóc thảm thiết, ăn năn sám hối. Trái ngược lại, Giu-đa cũng đã nhận
ra sai lầm của mình, nhưng Giu-đa không thể chấp nhận “chính mình” mà rơi vào
tình trạng khinh thường, căm ghét chính mình. Nên đã rơi vào tuyệt vọng. Đó
cũng là sự đổ sụp của việc quá cậy dựa vào sức lực của bản thân, của việc tôn
sùng “cái tôi” quá mức. Bởi vậy, để có thể chấp nhận con người thật của mình,
chúng ta cần khiêm tốn cậy nhờ vào ơn Chúa, biết Chúa yêu thương chúng ta và
dũng cảm nhìn vào ánh mắt nhân từ của Chúa.
Là người
trẻ, như Augustino ngày xưa, ngày nay chính chúng ta cũng đang phải đối diện với
một xã hội đề cao hưởng thụ, khoái lạc, tôn sùng tri thức, bằng cấp, và chìm ngập
trong mây mù của những học thuyết, tư tưởng mới lạ, lạc xa những giá trị của
Tin Mừng. Những cơn cám dỗ ngày ấy nay còn mãnh liệt và hấp dẫn hơn nhiều, đòi
hỏi người trẻ cần phải tỉnh thức, chiến đấu hết sức mình mà vượt qua. Vì thế,
hơn bao giờ hết, chính lúc này chúng ta cần phải trở về với trái tim mình để có
thể hiểu mình và hiểu Chúa hơn. Khi đó, bạn thấy mình là ai? Có phải bạn là một
tạo vật đẹp đẽ, độc đáo, có một không hai. Nếu đó không phải là một con người đầy
yếu đuối, mỏng manh, dễ sa ngã. Nhưng trên hết là một con người được Thiên Chúa
yêu thương. Và Chúa là ai trong cuộc đời bạn? Chắc chắn, đó là Đấng luôn yêu
thương bạn và là Đấng bạn hết lòng yêu mến. Ngài là “thầy”, là “bạn” và là “người
mẹ” luôn bên cạnh bạn trong những lúc tăm tối cũng như lúc tràn ngập hạnh phúc.
Điều đó khiến bạn đang “thao thức” điều gì nhất lúc này? Đó có chăng là thao thức
được đến và ở lại trong tình thương của Chúa, được đụng chạm vào trái tim nhân
từ đầy yêu thương của Chúa, để được Ngài biến đổi và can đảm nói lời “xin vâng” mau mắn trong cuộc đời của bạn.
“Lạy
Chúa, xin cho con biết con, xin cho con biết Chúa.” không chỉ là lời cầu
nguyện của thánh Augustino nhưng còn là lời cầu nguyện của mỗi người Ki-tô hữu,
nhất là của bạn trẻ Công giáo ngày nay. Thao thức hiểu về chính mình, và hiểu về
Thiên Chúa là niềm khắc khoải, trông mong, là hành trình tìm kiếm trong cầu
nguyện, gặp gỡ, lắng nghe và phân định nhờ ân sủng, sự nâng đỡ của chính Thiên
Chúa nơi mỗi người chúng ta.
Giu-se Nguyễn Đình Hoài
Nhận xét
Đăng nhận xét