SÀI GÒN – NHỮNG NỖI NIỀM…

SÀI GÒN – NHỮNG NỖI NIỀM…

Nó nhấc máy, đầu dây bên kia là giọng nói quen thuộc:

-        Đến Sài Gòn chưa con?

-        Dạ con xuống xe lúc 5h sáng rồi, ba ạ. Giờ con mới về tới lưu xá rồi. Con đang tính gọi báo cho ba đây.

-        Đến nơi an toàn là tốt rồi. Cố gắng học tập và giữ gìn sức khỏe, con nhé!

-        Dạ, ba mẹ ở nhà cũng phải giữ gìn sức khỏe ạ. Đừng làm việc quá sức!

-        Được rồi, con. Vậy ba đi làm đây. Có gì tối ba gọi lại.

-        Dạ, con chào ba.

Cúp máy, nó nằm vật ra giường, sau 6 tiếng trên xe, nó xem ra khá mệt mỏi. Nằm vắt tay lên trán, nó chợt nghĩ về một thời mới đó mà xa đó.

Nó nhớ ngày đầu đặt chân lên đất Sài Gòn đầy hoa lệ này, nó thấy “Sài Gòn ngộ quá ta!” ai ai cũng trông có vẻ rất hối hả. Dòng người tấp nập nối đuôi nhau trên các đường phố, quán xá làm nó cảm thấy bị “ngợp”. Nó choáng váng trước cái nhộn nhịp của Sài Thành  “Ở đây khác hẳn với quê mình!” nó thầm nghĩ. Đến đây, nó thả mình miên man tưởng nhớ về một thuở xa xăm, cái thời chăn trâu, thả diều, rong ruổi trên những con đường làng quanh co, những cánh đồng mênh mông. Chao ôi! Sao mà yên bình đến thế, phẳng lặng đến thế! Từ lâu, nó đã nghe người ta nói:

“Sài Gòn chẳng ngủ đâu em

Phố phường ngày cũng như đêm, nhịp nhàng

Quán ăn, quán nhậu rộn ràng

Nhiều phiên chợ họp bán hàng tới khuya.”

Đúng là Sài Gòn chẳng bao giờ ngủ! Sài Gòn lúc nào cũng như chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi hừng hực sức sống. Sài Gòn muốn khẳng định mình, khẳng định cái vị thế “hòn ngọc Viễn Đông”, khẳng định cái bản lĩnh, cái đẹp mà ai đến Sài Gòn đều phải thốt lên “Sài Gòn đẹp lắm! Sài Gòn ơi! Sài Gòn ơi!”. Những chàng trai, cô gái của Sài Gòn và cả những chàng trai, cô gái từ nơi khác đến Sài Gòn đều muốn cùng Sài Gòn khẳng định cái vị thế đó. Bởi thế, Sài Gòn dù “đất chật người đông” nhưng vẫn dang rộng vòng tay ôm lấy mọi hạng người từ mọi miền tổ quốc. Sài Gòn thật hào phóng!

Cách đây ba năm, nó cũng như “bao thanh niên cùng thời khác”, xách ba lô lên và đi... “Sài Gòn tiến”. Cái thời bỡ ngỡ, lạ lẫm qua rồi, giờ nó một cách nào đó cũng biết một chút về Sài Gòn nhưng chắc chắn không dám nhận là “người Sài Gòn”. Bởi nó nhớ mãi cái lần Sài Gòn làm nó bị “lạc”. Đó là câu chuyện về “ngày đầu tiên đi học” của nó ở Sài Gòn. Có lẽ bởi vì Sài Gòn quá lớn và quá đông! Nên làm biết bao người như rơi vào “thiên la địa võng” chẳng biết lối nào mà ra. Người ta có thể từ khắp bốn phương đến Sài Gòn với bao ước vọng cao quý. Để rồi lại đánh rơi ngay trên đất Sài Gòn. Người ta có thể kiên cường vượt qua bao khó khăn để được ôm lấy Sài Gòn. Để rồi gục ngã ê chề ngay trong vòng tay của Sài Gòn. Sài Gòn là thế! Khắc nghiệt! Tàn nhẫn! Bởi Sài Gòn người ta đánh mất chính mình!

Nó ra đi, đến Sài Gòn, mang theo bao khát vọng của chính mình và của gia đình. Hành trang đó là động lực cho nó cố gắng bước tiếp mỗi ngày. Sài Gòn kéo nó lao vào vòng xoay bộn bề của công việc, của học tập, của những dự định. Sài Gòn dạy cho nó “vận động là một phạm trù triết học” cho nên nó không được phép dừng lại nhưng phải luôn bước tiếp. Sài Gòn cho nó thấy thế nào là “vật chất quyết định ý thức”. Tuy nhiên, Sài Gòn cũng luôn nhắc nhở nó “Đừng để mình bị cướp mất hy vọng” và “Đừng để ai coi thường tuổi trẻ của con”. Sài Gòn là thế đấy! Như người bà lo lắng cho đứa cháu non nớt của mình nên mới có câu “cháu hư tại bà”.

Đêm nay, radio chợt phát câu nói của Đàm Hà Phú trong sách “Chuyện nhỏ Sài Gòn bao nhớ”: “Sài Gòn là mảnh đất kỳ lạ. Nó lạ kỳ đến nỗi người ta luôn nhớ về nó khi đang ở trong lòng nó. Người ta thương Sài Gòn bằng một thứ tình cảm mơ hồ nhưng mãnh liệt đến ngạt thở, nhưng như kiểu một thứ tình nghĩa khác, không hẳn là tình quê hương.”

Sài Gòn, 8/2/2023

Nguyễn Đình Hoài



Nhận xét