Tên sách: NGƯỜI TRỒNG HOA VÀ CHÀNG TU SỸ, nhà xuất bản Phụ nữ.
Tác giả: Triều
Tâm Ảnh (Đại sư Giới Đức).
Số trang: 260
trang.
Tóm tắt nội dung sách:
“ Con thấy đó. Trăng thì có khi tròn
khi khuyết; trời thì có khi nắng, khi mưa; xã hội thì có khi suy, khi thịnh…Tất
cả đều diễn tiến một cách linh động như nó “đang là”, luôn luôn trọn vẹn với
chính nó…” đó là câu nói của nhân vật “Ông luật sư
già” trong câu chuyện “ Bức tranh cuối cùng” trích trong tập truyện “Người trồng
hoa và chàng tu sỹ”. Đây là một tác phẩm truyện của Triều Tâm Ảnh tức đại sư Giới
Đức hiện đang là sư trưởng Huyền Không Sơn Thượng (Huế). Tác phẩm là tập hợp của
mười ba câu chuyện về đạo Phật, và về hành trình đi tìm cùng đích của cuộc sống.
Khi
đọc tập truyện, chúng ta thấy được đời người quả là một hành trình tìm kiếm,
tìm kiếm những giá trị cao đẹp mà chúng ta gọi là Chân – Thiện – Mỹ. Và nhiều
khi những những giá trị ấy đã vượt ra khỏi khả năng nhận biết, và cảm nghiệm của
con người. Vì thế, hành trình “giác ngộ” ấy là hành trình của cả cuộc đời.
Nhưng không phải ai cũng có thể tiến tới con đường “giác ngộ”, mà chỉ những người
khao khát và cất công tìm kiếm mới có thể tìm thấy được. Chẳng hạn như “ông lão
trồng hoa” đã dành cả cuộc đời để làm cho thế giới thêm xinh đẹp bằng những sắc
hoa. Nhưng cũng chính những cánh hoa ấy lại khiến ông mang trong mình nỗi day dứt
khôn nguôi mà phải đến giây phút sắp lìa đời mới được chàng tu sỹ với chiếc áo
nâu giản dị giải gỡ cho. Đó có phải là sự “giác ngộ” của ông lão? Hay đó là sự
“giác ngộ” của chính chàng tu sỹ? Đâu mới thực là cái gọi là sự “giác ngộ”? Đó
có phải chăng là lúc “tôi không còn là tôi,
mà là một thực thể phiêu bồng, vô danh, lướt qua hàng triệu kiếp trả vay sinh tử”
(trích Hoa Thiên Hương) hay là “chỉ
có đau khổ và sự giác ngộ đau khổ.” (trích Đạp tuyết tầm mai) mới là điều
đáng nói trong đời, mới là điều mà con người cần phải nhận ra. Để đạt được sự
“giác ngộ” ấy, mỗi người cần phải tiến tới trên con đường tu tập mà như lời thiền
sư Dai-so-kim: “Này chư tử! Hãy xuất cờ!
Hãy xuất niệm! Hãy xuất kiếm! Bước tới! Không ngoảnh đầu! Không có sinh tử giữa
dòng chảy trôi liên lỉ! Không có sau trước giữa vòng tròn vô thỉ, vô chung”
. Con đường tu thân của mỗi người cũng giống như khi “xuất cờ”, khi “ rút kiếm”,
và như “dòng sông” vậy. Khi đã chơi,
một quân cờ đặt xuống trọng lượng như một quả núi sẽ kết thành định mệnh. Định
mệnh không lặp lại hai lần. Khi rút kiếm ra là phải chém. Dòng sông chẳng bao
giờ chảy qua một nơi hai lần. Con đường ấy luôn đòi hỏi sự kiên trì, cố gắng, nỗ
lực không ngừng. Vì đỉnh cao của “giác ngộ” là “con đường tự thắng chính mình” (trích Kẻ được chân truyền). Trong
14 điều răn của Phật, có câu “kẻ thù lớn
nhất của đời người là chính mình” nhưng “sai
lầm lớn nhất của đời người là đánh mất chính mình”. Vậy phải chăng hành trình
cuộc đời chính là để chiến đấu với con người mình nhưng không để đánh mất chính
mình.
Trăm sông đều đổ về
biến lớn. Con người sinh ra dù khác biệt nhau nhưng đều có chung một cùng đích.
Chính vì khát khao đó mà con người luôn luôn tìm kiếm cho mình con đường để đạt
tới Chân Lý.
Nhận xét
Đăng nhận xét