TÓM SÁCH KHỔNG TỬ TÂM ĐẮC


(Hình ảnh: Internet)

 

DỰ TU DÒNG CHÚA CỨU THẾ SÀI GÒN

BÀI TÓM SÁCH THÁNG 7/2021

Họ và tên: Giuse Nguyễn Đình Hoài.

-        Tiêu đề sách: “ Khổng Tử tâm đắc”.

-        Tác giả: Yu Dan.

-        Chuyển dịch: Nguyễn Đình Phức.

-        Sách có 260 trang chia thành 7 phần chính là: “ Đạo hiếu kính”, “ đạo trí tuệ”, “ đạo học tập”, “đạo thành tín”, “ đạo trị thế”, “ đạo trung thứ”, “ đạo nhân ái”.

-        Nội dung chính:

Khổng Tử từng nói “ tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” tức là muốn thay đổi thế giới trước hết phải thay đổi chính mình. Qua tác phẩm “ Luận ngữ”, Khổng Tử đã chỉ ra con đường để “ tu thân” mà mỗi người chúng ta có thể học hỏi theo. Theo Khổng Tử, người hoàn thiện là người đạt tới cảnh giới của “chí thiện” thể hiện qua bảy khía cạnh là: hiếu kính, trí tuệ, học tập, thành tín, trị thế, trung thứ và nhân ái. Trong đó, “ đạo nhân ái” là đỉnh cao, là bao trùm các khía cạnh khác.

Đối với Khổng Tử, chữ “ hiếu” chính là hình thức tồn tại căn bản của đạo đức. “ Hiếu” với cha mẹ không phải là “ chờ đến sau khi cha mẹ trăm tuổi chúng ta mới làm trọn chữ hiếu bằng cách để tang một năm hay ba năm, chẳng bao giờ có ý nghĩa bằng khi cha mẹ còn sống, chúng ta hãy dành tất cả những gì mình có thể làm”. “ Hiếu” cũng chẳng phải chỉ là cung cấp cái ăn, cái mặc, nuôi sống cha mẹ nhưng trên hết là phải làm vẻ vang chí hướng của cha mẹ.

Người có “ đạo trí tuệ” là người có được cho mình “ đại trí”. Khổng Tử nói “ trí” là “ tri nhân” nghĩa là  hiểu mình rồi sau đó hiểu người cuối cùng nhận ra được những giá trị, vị trí của chính mình. Có thể nói, “tri thức” là nền tảng của trí tuệ, nhưng không hẳn cứ có tri thức là có trí tuệ. Người muốn có “ trí tuệ” trước hết phải có sự tu dưỡng không ngừng của bản thân. Những việc không giống nhau trong những tình huống khác nhau có thể dẫn đến sai lầm, thế nhưng cần thiết phải rút ra bài học kinh nghiệm, dứt khoát không để bị trượt ngã hai lần ở cùng một vị trí.

Một cách tu dưỡng trí tuệ quan trọng là dựa vào học tập. Hầu như ai cũng học tập nhưng chất lượng học tập của mỗi người là không giống nhau. Theo Khổng Tử thì học trong sách vở không bằng học trực tiếp từ người đời, tức là ông đề cao khía cạnh áp dụng của kiến thức vào thực tế đời sống. Việc học, mỗi người cần phải chú ý phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu. Cũng cần phải loại bỏ tư tưởng cố chấp, bảo thủ trong suy nghĩ bởi theo Khổng Tử “ thay đổi cách suy nghĩ cũng chính là biểu hiện của đại trí”. Học tập không bao giờ chấp nhận sự cứng nhắc. Học tập không bao giờ có điểm dừng.

Khổng Tử nói “ người không có chữ tín, chẳng biết sẽ làm được việc gì”. Như vậy, “ đạo thành tín” đóng vai trò hết sức quan trọng trong cuộc đời mỗi người. Chữ tín chính là điều cơ bản nhất để con người bước vào đời. Con người cần phải dựa vào sự chính trực để sống. Khởi điểm của “ đạo thành tín” chính là biết chấp nhận hiện trạng thực tế của bản thân, biết chân thành đối diện với chính mình. Thành tín là viên đá thử vàng, nó có thể chứng nghiệm sự cao thấp trong nhân phẩm con người.

“ Đạo trị thế” là nét nổi bật trong tư tưởng của Khổng Tử. Trong khi, nhiều nhà hiền triết cho rằng phải cai trị người khác bằng pháp luật thì Khổng Tử lại cho  rằng “ nếu chỉ dựa vào chính lệnh và hình phạt thì chắc chắn không thể xác lập được quan niệm về sự vinh nhục trong thâm tâm người dân”. Đối với Khổng Tử cần phải dùng đạo đức để dẫn dắt người khác. Lãnh đạo trước hết cần phải thanh liêm, lấy mình làm gương cho người khác. Chúng ta không thể mong có một xã hội lý tưởng trong thực tại, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể góp phần làm cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn thông qua việc tích góp những điều tốt đẹp của bản thân.

Từ hơn 2000 năm trước, Khổng Tử đã rất quán triệt đạo trung thứ trong từng hành vi của mình. Đạo trung thứ chính là làm sao để mỗi người trung thành với chính mình và đối đãi tử tế với người khác. Chúng ta hãy đem đến cho người khác sự quan tâm và đem đến cho chính mình điều thuận lợi, đem đến cho thế giới sự ấm áp và đem đến cho chính mình sự khoan dung.

Trong sách “ Luận ngữ”, Khổng Tử đã rất nhiều lần đề cập đến chữ “ nhân”. Có thể nói, “nhân ái” là viên đá nền quan trọng nhất trong những viên đá nền, là trọng điểm trong hệ thống triết học của Nho gia. “Nhân ái” tức là “ yêu người”, là lòng bác ái, là một tình cảm hết sức sâu sắc và to lớn. Với Khổng Tử “nhân ái” là căn cứ quan trọng để biết một người có thể trở nên vĩ đại hay không. Nhân ái là sức mạnh phát ra từ nội tâm của một người. Nó vừa có thể tác động đến người khác vừa có thể ảnh hưởng đến chính mình. Nhân ái đem đến cho chúng ta trạng thái ung dung, ôn hòa. Trong lòng người nhân ái luôn có chỗ dành cho người thân, bạn bè. Họ yêu sông, núi, cỏ, cây, yêu thiên nhiên bốn mùa, yêu những giây phút vui vẻ bên bạn bè, người thân. Những tình cảm ấy không bao giờ hạn chế mà luôn chan hòa ở mọi lúc mọi nơi và ảnh hưởng đến tất cả những người xung quanh. Đạo nhân ái có thể làm thay đổi cuộc sống của con người. Bằng việc mang sự tin tưởng cùng niềm vui trong lòng chúng ta vào việc đối nhân xử thế, giữa con người và xã hội sẽ có mối liên hệ mật thiết và hài hòa hơn.

Qua tác phẩm “ Khổng Tử tâm đắc”, ta thấy được rằng “ nhân vô thập toàn” khi sinh ra không ai là hoàn hảo. Nhưng sự hoàn hảo lại là đích đến của đời người. Mỗi ngày, mỗi phút của cuộc đời ta cần nỗ lực hoàn thiện bản thân, hướng chính mình đến “ Chân – Thiện – Mỹ”.

Nhận xét