THÁNH AN PHONG


 (Nguồn: Internet)

DỰ TU DÒNG CHÚA CỨU THẾ SÀI GÒN

BÀI TÓM SÁCH THÁNG 6/2021

Họ và tên: Giu-se Nguyễn Đình Hoài.

Bài làm

·        Tên sách: “ Thánh Anphong”, nhà xuất bản Tôn Giáo.

·        Tác giả: Th.Rey-Mermet CSsR, Viễn Thụ biên soạn.

·        Sách gồm: 457 trang, gồm 5 phần:

-        Phần 1: Một người thế giá, trẻ trung và giàu có ( 1696-1723).

-        Phần 2: “ Con hãy đi bán hết của cải và theo Thầy” (1723-1732).

-        Phần 3: “ Tốt hơn hãy đi tới các chiên lạc” (1732-1762).

-        Phần 4: Thầy là chủ chăn tốt lành (1762-1775).

-        Phần 5: “ Đến nơi nào mà con không muốn” (1775-1787).

Nội dung sách:

Trong sứ điệp nhân 150 năm thánh Alfonso được tôn phong Tiến sĩ Hội Thánh, Đức Thánh Cha Francisco đã ca ngợi thánh Alfonso như là “khuôn mẫu cho toàn thể Giáo Hội để đi ra loan báo Tin Mừng”. Thật vậy, giữa một thời kỳ được gọi là “ Thế kỷ Ánh sáng” với những con người đề cao sức mạnh lý trí mà gạt bỏ Thiên Chúa, trong xã hội thì việc phân chia giai cấp rõ ràng và khoảng cách thì rất sâu sắc. Còn Giáo Hội lại ở trong tình trạng khá rối ren, bên cạnh những vị thánh là những kẻ tội lỗi, bên cạnh những giáo sĩ thánh thiện là những kẻ lấy áo dòng để che đậy lòng tham sân si. Thánh Alfonso đã chào đời trong một hoàn cảnh như thế.

Ngày 27.9.1696, lúc 7 giờ sáng tại Napoli, nước Ý, con trai ông Don Giuseppe Liguori và bà Donna Catarina Anna Cavalieri, Alfonso de Liguori chào đời trong một gia đình quý tộc lâu đời. Hai ngày sau, Alfonso được rửa tội bởi cha sở Giuseppe del Mastro. Ngày 21.12.1726, thụ phong linh mục  do tay Đức cha Invitti tại nhà thờ chính tòa Napoli. Ngày 9.11.1732, khai sinh dòng Chúa Cứu Thế. Ngày 9.3.1762, được Đức Clemente XIII bổ nhiệm làm Giám mục giáo phận Agata. Về với Chúa ngày 1.8.1787, phong Á thánh tháng 9.1816, tôn phong Hiển thánh ngày 26.5.1839, tuyên dương Tiến sĩ Hội Thánh ngày 23.3.1871. Cuối cùng, ngày 26.4.1950, Thánh Alfonso được tuyên dương làm quan thầy các nhà luân lý và các cha giải tội.

Trong lịch sử Giáo Hội, thật hiếm thấy có vị thánh nào lại xuất chúng như thánh Alfonso. Không những là “ ngôi sao” chói sáng trên bầu trời văn học nghệ thuật, thánh Alfonso mới 16 tuổi đã làm chấn động cả kinh thành Napoli với việc tốt nghiệp cùng lúc hai bằng Tiến sĩ luật đạo và luật đời. Ngài trở thành một vị luật sư nổi danh ở Napoli và chưa thất bại ở bất kỳ vụ kiện nào. Nhưng một sự kiện đã làm thay đổi hoàn toàn con người thánh nhân. Trong một vụ kiện mặc dù công lý, sự thật thuộc về phía thánh Alfonso nhưng bởi sự sắp đặt của quyền bính, luật pháp bị bóp chặt, công bằng bị giày xéo. Thánh Alfonso thất bại trong đau đớn, ngài đi thẳng ra khỏi pháp đình và thốt lên “ hỡi thế gian, ta biết ngươi rồi” từ đó ngài vĩnh biệt pháp đình, quyết tâm dâng mình cho Chúa.

Sau khi thụ phong linh mục, thánh nhân đã cống hiến cả cuộc đời cho sứ vụ của Đấng Cứu Thế. Ngài hăng say loan báo Tin Mừng cho người nghèo, ngài lao mình vào việc tông đồ nơi những vùng xa xôi, hẻo lánh, ngài “cháy lửa nhiệt thành lo phần rỗi kẻ có tội, đến nỗi ngài muốn thánh hóa cả thế giới ngay một lúc.” (Lm. Pietro Paolo Blausucci, CSsR). Chính thao thức cứu rỗi các linh hồn đã khiến thánh nhân cháy hết mình với các sáng kiến tông đồ, từ các “ nguyện đường buổi tối” cho tới các cuộc giảng phúc, từ việc chăm sóc các bệnh nhân cho tới việc rao giảng lời Chúa bằng ngòi bút, từ việc gia nhập hội “ các cuộc giảng phúc tông đồ” cho tới thành lập “ dòng Chúa Cứu Thế”, dù ở bất kỳ đâu chúng ta đều bắt gặp một gương mặt thánh Alfonso “ khát khao cứu rỗi các linh hồn”. Có thể nói, thánh Alfonso là con người của cầu nguyện, với lòng say yêu Thánh Thể và yêu mến Mẹ Maria, thánh Alfonso đã viết về Đức Mẹ như sau: “ Mẹ biết rồi đó, sau Chúa Giê-su, con đặt tất cả vào Mẹ lòng cậy trông sẽ được phần rỗi đời đời; vì tất cả những gì tốt lành trong con, ơn ăn năn sám hối, ơn kêu gọi từ bỏ thế gian, và mọi ơn khác mà con đã lãnh nhận từ Thiên Chúa, con nhìn nhận là chỉ do sự trung gian của Mẹ mà có.” Bởi vậy, Đấng sáng lập đã chọn Đức Maria Vô Nhiễm làm bổn mạng dòng Chúa Cứu Thế. Khi thành lập dòng, thánh nhân đã xác tín chú trọng rao giảng Tin Mừng cho những người tất bạt “ Ngài sai tôi đem Tin Mừng cho người nghèo”. Thánh nhân luôn muốn dòng “ cư ngụ ngoài các khu dân cư trù mật, và ngay tại các giáo phận thiếu thốn, nghèo nàn nhất, để có thể hoàn toàn hiến thân phục vụ những người dân quê” và truyền bá lòng sùng kính Đức Mẹ qua lời giảng dạy. Mặc dù, dòng đã phải trải qua những biến cố thăng trầm, nhiều lúc tưởng chừng công trình dòng gần như sụp đổ, thì với ơn Chúa dòng vẫn đứng vững, không những thế còn từ từ đâm rễ qua mọi chướng ngại và lan rộng khắp nơi. Nhờ ơn Chúa, ngày 25.2.1749, Đức Bê-nê-đic-tô XIV với sắc chỉ “Ad Pastoralis Dignitatis fastigium” đã châu phê Tu Hội và lề luật Dòng Chúa Cứu Thế. Thánh Alfonso được đặt làm Bề trên Cả suốt đời theo quyết định của hội nghị 9.5.1743. Bộ luật mà Đức Bê-nê-đic-tô XIV châu phê, từ đây sẽ làm kim chỉ nam cho hết mọi tu sĩ và đường hướng dòng Chúa Cứu Thế, cho tới công đồng Vaticannô II.

Khi làm giám mục, thánh Alfonso lại càng nhiệt thành hơn trong công cuộc loan báo Tin Mừng, ngài thực hiện các cuộc kinh lược toàn giáo phận, những cuộc đại phúc, ngài biến tòa giám mục thành “ trạm cứu đói”. Ngài luôn tâm niệm “ tôi không đến đây với chủ ý thống trị bất cứ ai, nhưng với ý muốn làm đầy tớ mọi người”. Ngay đến Đức Clemente XIII cũng phải có lời ca ngợi giám mục Afonso rằng “ Thưa tôn huynh, tôi rất quý mến huynh, bởi vì huynh chẳng những bằng lòng với việc cai quản giáo đoàn của huynh, mà không chịu mất một chút thì giờ nào còn sót, lại đem cống hiến nó cho những công việc hữu ích không chỉ trong ranh giới giáo phận của huynh, nhưng trải rộng ra cả Hội Thánh toàn cầu.”  Quả thật, giám mục Alfonso đã trở nên gương mẫu cho các giám mục mọi nơi và mọi thời.

“ Con người ấy chắc chắn đã đi vào lịch sử như một cỗ xe rực lửa”. Con người ấy đã làm nên lịch sử. Một lịch sử vĩ đại, nhưng lịch sử ấy đã không chấm dứt mà còn tiếp tục được nối dài và viết tiếp bởi những người con cái của ngài, đó là những tu sĩ dòng Chúa Cứu Thế.

 

Nhận xét