Tên sách:
ĐỒNG HÀNH, nhà xuất bản Tôn Giáo.
Tác giả:
Song Nguyễn ( Giám mục Đa Minh Nguyễn Chu Trinh).
Số trang:
276 trang.
Tóm tắt nội dung:
“ Đồng hành” không chỉ là
câu chuyện “ đoàn viên” của hai chị em nữ tu Phương Tâm và linh mục Phương
Thành, nhưng còn là câu chuyện về cuộc sống, về hành trình ơn gọi. Đặc biệt, đó
còn là khúc ca tuyệt đẹp về tình Chúa và tình người.
Bối cảnh câu chuyện là miền
Nam (Việt Nam) những năm khói lửa chiến tranh. Hai chị em Phương Tâm - Phương
Thành bị lạc mất ba mẹ lúc chạy loạn, may mắn cả hai chị em được một viên sĩ
quan người Pháp cứu mạng. Cậu em Phương Thành được ông gửi đến Pháp cho gia
đình ông nuôi dưỡng. Còn chị Phương Tâm thì ông nhờ cậy một người bạn ở Sài Gòn
nuôi nấng. Hai chị em, hai số phận, cũng từ đây hai con đường mới mở ra trước mắt
họ.
Phương Thành là một linh
mục Việt Nam tại Pháp. Nơi đất khách quê người, cha cũng giống như những người
Việt tha hương khác bị chính quốc kỳ thị, bị phân biệt đối xử và bị coi thường.
Họ phải sống trong những khu ổ chuột nghèo khổ, đói rách, phải đối diện với biết
bao những tệ nạn xã hội. Không ai quan tâm tới họ, không ai giúp đỡ họ. Như
Chúa Giê-su xưa đã chạnh lòng thương khi nhìn dân chúng “ vì họ lầm than vất vưởng
như bầy chiên không người chăn dắt”, chính lòng thương cảm đó đã dẫn cha đến với
con đường ơn gọi tận hiến để giúp đỡ đồng bào của mình.
Sơ Phương Tâm là một nữ
tu thánh thiện, nhiệt huyết và tài năng. Từ nhỏ đã được hưởng nền giáo dục
Ki-tô giáo trong môi trường của các sơ “áo trắng”, nhưng sơ lại khám phá ra ơn
gọi và bước theo ơn gọi của các dì dòng “áo đen” là đến với người nghèo, người
cô thế, cô thân, những người không được ai chăm sóc. Từ ngày vào dòng, sơ luôn
phải đối diện với những khó khăn, những thử thách cam go tưởng chừng như không
thể vượt qua được. Có lần đi mục vụ tại bệnh viện, sơ vì lợi ích của bệnh nhân
phải tiếp xúc gặp gỡ với bác sĩ trưởng khoa, nào ngờ ông này lại “ có tình cảm
đặc biệt” với sơ. Sự việc này khiến đời tu của sơ dường như chao đảo. Như mất
phương hướng, sơ cứ loay hoay tìm mãi mà chẳng thấy lối ra. Nhưng Chúa không bỏ
sơ, Ngài gửi đến cho sơ một vị linh hướng đạo đức, thánh thiện và giàu kinh
nghiệm. Cha linh hướng từng bước chỉ dẫn, mở lối giúp sơ thoát ra và bảo vệ ơn
gọi của mình. Hay lần sơ đến phục vụ ở giáo xứ trong vùng chiến sự, chứng kiến
cái chết tức tưởi của người chị em mình, cha sở phải rút lui vào vùng tạm chiến,
để lại một mình sơ phải “ làm mẹ” của chín đứa con. Mặc cho “ mưa bom bão đạn”
một mình sơ phải lặn lội tìm kiếm thức ăn, áo mặc cho những đứa trẻ cô nhi. Khó
khăn không những ở bên ngoài nhà dòng nhưng còn ở trong chính nhà dòng. Khi sơ
được gọi về làm ký lục. Ở chức vụ này sơ vừa phải đối nội, vừa phải đối ngoại.
Bên ngoài, sơ phải đấu tranh để giữ lấy tài sản nhà dòng. Bên trong lại phải giải
quyết những báo cáo, phúc trình, thư từ, đơn thỉnh nguyện…Việc này đòi hỏi sơ
phải tế nhị. Nhưng cũng lắm lúc sơ phải chịu những ánh mắt buồn giận của chị
em. Qua những biến cố trong hành trình ơn gọi giúp sơ nhận ra rằng “ tu là vừa
hoàn thiện trước mặt Chúa, vừa nên hoàn thiện trước mặt người khác” hay “ nhiệm
vụ của ngọn đèn là cứ thắp sáng, giống như mặt trời không vì kẻ đau mắt mà
không được mọc lên”. Nhưng khó khăn nhất là khi sơ bị mù cả hai mắt. Cả cuộc đời
sơ đã phục vụ người khác nay phải nằm một chỗ toàn thân bất toại, làm gì cũng
phải có người giúp. Khiến sơ thấy mình như vô dụng, như gánh nặng. Dường như
chính lúc sơ tuyệt vọng nhất, Chúa lại giúp cho sơ thắp lên niềm hy vọng, thêm
cậy trông vào Chúa. Qua đó, sơ khám phá ra rằng Chúa luôn bên cạnh sơ. Nên sơ
Phương Tâm càng ngày càng xác tín hơn vào lời Chúa rằng “ Ơn Ta đủ cho con”.
Ngoài ra câu chuyện còn
khắc họa hình ảnh của những con người theo Chúa cách trọn vẹn. Như Dì Năm – một
nữ tu hiền lành, thánh thiện đã dành cả cuộc đời mình phục vụ nơi giáo xứ nghèo
để rồi nhận lại là cái chết oan ức. Hay hình ảnh vị cha xứ đạo đức vốn là giáo
sư chủng viện nhưng vì niềm say mê người nghèo nên ngài xin về coi xứ. Ở vai
trò cha chính xứ, ngài ra sức bảo vệ người nghèo, ngài không chịu khuất phục
trước những bất công của bạo quyền.
Qua tác phẩm “Đồng Hành”,
chúng ta nhận ra tình yêu thương quan phòng của Thiên Chúa luôn ấp ủ, nâng đỡ
con người. Chính Thiên Chúa luôn “ đồng hành” với mỗi người chúng ta trong từng
phút giây của cuộc sống. Ơn của Ngài luôn dư đầy giúp chúng ta vượt thắng mọi
khó khăn. Vì thế, chúng ta đừng bao giờ đánh mất niềm hy vọng nơi Chúa “ Hãy ký
thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay”. Đồng thời, qua
câu chuyện của sơ Phương Tâm và linh mục Phương Thành, chúng ta nhận thấy gia
đình chính là điểm tựa quan trọng của bước đường dâng hiến, là mảnh đất màu mỡ
cho ơn gọi nảy mầm nơi mỗi con người.
Nhận xét
Đăng nhận xét